(Đức Hoài)-Chắc còn chừng 2 tháng 4 ngày nữa là tết rồi! Bà con làng mình năm ni mần bông mần hoa có nhiều không biết! Nhớ mấy năm đầu khi phong trào mần bông nổi lên rầm rộ. Làng mình mua hạt giống rồi ghép chuối, bắc giàn trên cao để gieo hạt lấy cây giống vì sợ lũ mà! Thời điểm đó thì nhà O Phượng Chú Hướng là nhà có những luống hoa đẹp nhất! Rồi sau này có thêm nhà mụ Xinh cũng nổi tiếng mần hoa Đà Lạt đẹp!
Đến khi giống hoa Hà Nội lên ngôi, lúc này, chúng ta mua luôn cây con vì giống hoa này không thể tạo giống ở đất mình được. Cậu Kính bên nhà o Cảm, bác Minh là một trong những người tiên phong đem giống hoa về cho bà con mình thì nổi đình nổi đám là các chủ vườn Hoa lớn như anh Hoà, anh Cụ Nậy (anh Toàn), anh Thắng (ông Sạn), anh Bình (ông Thơ)...Một vài bà con tuy không trồng nhiều nhưng hiệu quả cũng rất cao như nhà chú Thừa, o Hải, nhà Bác Bình... . Hoa làng mình mần mưa mần gió trên chợ Đông Hà, chợ phường Năm, chợ Lê Lợi, Chợ Cầu, chợ Quảng Trị, chợ Khe Sanh... trong một thời gian dài. Hoa hút thì cả làng cùng chạy mà hoa ế thì cả làng cũng đỗ trên chợ mà về ăn tết. Hoa làng mình đi đến khắp nơi đến nỗi cái tên làng Hoa An Lạc cũng thơm lây vì người ta cứ quen ghép vùng trồng hoa làng mình vào làng Hoa An Lạc cho dễ nhớ vì gần nhau mà!
Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi mà cây hoa không chỉ nở ở trên đất làng mình nữa mà đã đi đến các địa phương khác với thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi hơn thì hoa làng mình đang dần lép vế! Một vài địa phương nói trên là phường Đông Thanh; các xã ở huyện Cam Lộ, rồi thì Gio Linh, Vĩnh Linh... họ trồng hoa nhiều và hoa họ cây to cao, cứng cáp và đặc biệt bộ lá và rễ rất đẹp. Bà con mình vẫn nói, hoa đẹp là nhờ bộ lá và bộ rễ, nay mình thua người ta ở điểm này thì coi như thất thế hơn nửa!
Nói thế mới thấy, những năm gần đây theo như tôi suy nghĩ thì làng mình nên chuyển hướng cây trồng canh tác cho vụ tết! Chúng ta đều nhớ, trước đây, khi mà cây hoa chưa đến với bà con mình thì cây cải và một số giống cây họ cải (ngò, Bà rô, Cần...) là cây trồng chính của làng và đem lại thu nhập cao cho bà con. Khi cây hoa dành hết phần đất canh tác suốt 3 tháng cuối năm thì các cây nói trên trở nên thứ yếu và ít được quan tâm chăm sóc! Hoa là loại cây rất khó trồng, hay sâu bệnh và đặc biệt phải canh thời điểm hoa nở đúng dịp tết nên mất nhiều thời gian chăm sóc! Lúc đem đi bán thì cũng phải cẩn thận nhổ sao cho không gãy cành, mất rễ, gỡ từng que, tre dây cột đỡ cây hoa vì hoa dễ gãy, dễ héo mà! Thật là công phu! Mặc kệ hoa, cây cải vẫn phát triển xanh tươi mơn mởn dù cả tuần chỉ cần 2, 3 lượt bà con mình tạt qua tưới cho ít nước! Nhưng tiếc rằng, đến tết, cả làng hầu như chỉ lo bán hoa. Cây cải tội nghiệp bỉ bỏ rơi, hết xanh non thì chuyển sang già và lên nhồng (ra bông, kết trái để sinh sản).
Bà con mình lúc này hầu như có suy nghĩ rằng hoa đã nở rồi, không bán thì ra tết hoa tàn, có mà bỏ đi chứ chằng làm được gì, đem làm củi thổi cơm cũng không được vì khói mù cả con mắt! Còn cây cải, trong tết không bán thì ra tết, ngắt nhồng và ngọn đi bán vẫn được và nếu có già quá thì cũng có thể làm dưa cải! Nhưng mà nên nhớ cải Hà Nội vào Quảng Trị to và ngon, mần dưa thì được chuộng hơn và lúc đó chắc chắn cải mình đi đứt. Mùa mần sắn, mần đậu là vừa mới ra tết tức cuối tháng 2 đầu tháng 3 phải không nhỉ! Vào mùa làm màu mà cải chưa tiêu thụ hết thì nhổ về cho gà, cho heo hay vịt ngan ngỗng gì đó ăn chứ làm gì! Tiếc quá!
Mọi năm về quê ăn tết, tôi vẫn phụ ba mẹ nhổ bông, nhổ ba rồi vận chuyển đi bán đúng là vui thật nhưng mà lúc ế cũng xịu mặt lắm!Không xịu sao được, giống bữa nay chắc cũng 400 đồng 1 cây rồi, còn phân tro, thuốc này thuốc kia, dây nhợ để giữ cây hoa không đỗ gãy trong mùa mưa bão, rồi thì tiền điện thắp cho cây nữa! Bao nhiêu tiền mà có lúc hoa mình bán rẻ quá!
Dù sao thì năm nay mong làng mình trúng mùa hoa, nhà nhà có nhiều tiền sắm tết! À mà làng mình năm nay có đá bóng với làng mô không biết? "Đài Loan" thì chắc không dám mời làng mình rồi, cỡ nào cũng thua làng mình thì mời làm gì cho mất mặt nhỉ!
Người gửi / điện thoại
CÁC BÀI CŨ HƠN