Đăng nhập
Bạn muốn tạo chứng cứ pháp lý trong giao dịch và các quan hệ pháp luật?               Bạn thắng kiện trong một vụ án và muốn Thừa phát lại trực tiếp thi hành?      Bạn gặp vấn đề vì không chứng minh được bên phải thi hành án tài sản để thi hành án?                Hoặc bạn có thắc mắc gì về pháp luật?      Liên hệ số 01234 112 115  hoặc  0906 311 132 để được hỗ trợ ngay!

Đánh giá website của tôi
Rất hữu ích
Bình thường
Nội dung kém
Không có bình luận


(Đức Hoài)-Một đề tài về liên quan đến quyền dân chủ của nhà nước ta được tôi thực hiện vào học kỳ 2 năm nhất đại học. Những phân tích vẫn còn rời rạc, lủng củng nhưng mà theo tôi là vẫn có giá trị tham khảo.

Tên đề tài: Một số vấn đề về việc tiếp xúc cử tri

Thực hiện: Hoàng Đức Hoài

Lớp: QT33A   

Trường Đại Học Luật TP. Hồ Chí Minh

Hiến pháp năm 1992, Điều 97 ghi rõ: “ Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan nhà nước hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và Quốc hội, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri…”.
 Như vậy, Đại biểu Quốc hội có địa vị pháp lý đặc biệt. Đó là người đại biểu nhân dân, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.Do nhân dân bầu ra, đại diện cho ý chí và lợi ích của nhân dân nên Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ quan trọng nhất là làm chiếc cầu nối giữa chính quyền nhà nước với nhân dân. Muốn làm chiếc cầu nối thì Đại biểu Quốc hội phải thường xuyên liên lạc với cử tri.Thực hiện nhiệm vụ này, Đại biểu Quốc hội phải thực hiện công việc tiếp xúc cử tri. Đây là công việc Hiến định, thông qua đó Đại biểu lắng nghe thu thập những ý kiến nguyện vọng của cử tri trình lên Quốc hội, báo cáo cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ của mình và của Quốc hội.
1. Lý do:
 Tuy rằng, công tác tiếp xúc cử tri đóng vai trò hết sức quan trọng, pháp luật thực định đã có những quy định để vấn đề này để đảm bảo nó được diễn ra đúng với ý nghĩa thực của nó. Tuy nhiên, chính sự không rõ ràng hay không đầy đủ trong những quy định này dẫn đến tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội  là một vấn đề đang được bàn luận, tranh cãi nhiều trên nghị trường, báo chí cũng như các diễn đàn hiện nay. Vấn đề được đặt ra là: Hình thức Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri như hiện nay đã phù hợp chưa? Nội dung công việc này như thế nào? Hiệu quả ra sao? Xung quanh vấn đề này, ngày 16/2/2009, tại Đồng Hới, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri của ĐBQH. các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng: “Hoạt động tiếp xúc cử tri đến nay vẫn là khâu yếu, còn mang tính hình thức, chủ yếu là tiếp xúc theo định kỳ, tiếp xúc theo chuyên đề còn hạn chế; Số điểm tiếp xúc cử tri chưa nhiều; Việc tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri ở một số cụm xã còn bị động, công tác chuẩn bị còn sơ sài, chưa thông báo rộng rãi nên chưa thu hút được đông đảo thành phần cử tri tham dự; Sự phối hợp giữa Ủy ban MTTQ với Đoàn ĐBQH tỉnh trong việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri còn thiếu khoa học và chưa chặt chẽ; Việc thực hiện quyền và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc tổ chức và phối hợp với Đoàn ĐBQH tiếp xúc cử tri chưa tốt...
Và điều khiến người trong cuộc thắc mắc là tại sao một vấn đề quan trọng như vậy, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân như vậy lại chưa được quy định rõ ràng trong trong luật. Là những sinh viên Luật đồng thời là những người trong cuộc, việc đi sâu tìm hiểu vấn đề này giúp ích cho chúng tôi trong công việc học tập của mình đồng thời có cái nhìn toàn diện và chính xác hơn về vấn đề tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội hiện nay.
2. Mục đích:
 Đi sâu tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi nhằm mục đích tìm hiểu những vấn đề liên quan đến công tác tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội: Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri là gì? Trong lịch sử của mình, Quốc hội có tiếp xúc cử tri không và tiếp xúc như thế nào? Công tác tiếp xúc cử tri hiện nay trong pháp luật thực định và thực tiễn ra sao?
 Dựa trên đó, chúng tôi đưa ra những quan điểm, ý kiến đóng góp của cá nhân xung quanh vấn đề này.
3. Nội dung chính của đề tài: Bốn đề mục được trình bày trong nội dung bài viết là:
1.  Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.
1.1  Định nghĩa
1.2 Lý luận.
2. Tiếp xúc cử tri hiện nay.
2.1 Hiến định.
2.2 Hạn chế.
3.  Đổi mới - Ý kiến đề xuất.
 Bài viết có nội dung khá bao quát về những khía cạnh của vấn đề có điểm nhấn là những hạn chế của công tác tiếp xúc cử tri, ý kiến đề xuất để đổi mới công tác tổ chức, hình thức hoạt động của công việc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội.Tuy vậy, trong phạm vi bài viết không thể đề cập hết được những vấn đề đặt ra cho công tác này hiện nay. Chúng tôi dự định thực hiện thêm một đề mục nữa đó là công tác tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội trong lịch sử tuy nhiên phải nói rằng từ trước năm 1975 không có một văn bản pháp luật nào quy định một cách cụ thể vấn đề này. Luật tổ chức Quốc hội Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ban hành ngày 26/7/1960 cũng chỉ quy định  “Đại biểu Quốc hội phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.”(Điều 41). Ngoài ra, hoàn cảnh chiến tranh cũng là một lý do khiến cho công tác tiếp xúc cử tri không thể diễn ra một cách thường xuyên. Vì vậy, đề mục này chúng tôi vẫn còn để ngỏ cho những ai quan tâm đến vấn đề này.
 Trong khi thực hiện đề tài, chúng tôi có sự tham khảo một số tài liệu, một số bài viết của một số người trong cuộc. Tuy nhiên, các tài liệu viết chuyên sâu về vấn đề này hiện nay không nhiều, điều đó càng khuyến khích chúng tôi thực hiện đề tài này.
Đại biểu Quốc hôi tiếp xúc cử tri là gì?
Trước khi đi sâu vào vấn đề này, xin được nhắc lại địa vị pháp lý của Đại biểu Quốc hội. Đó là người đại biểu nhân dân, đại diện cho lợi ích tối cao của cử tri thể hiện: Do cử tri trực tiếp bầu ra, làm việc trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, tham gia quyết sách những vấn đề quang trọng nhất của quốc gia dân tộc. Do đó, tiếp xúc cử tri là việc làm tất yếu của mỗi Đại biểu Quốc hội.
1. Định nghĩa:
Hiện nay chưa có một định nghĩa hay khái niệm nào nhất quán hoàn chỉnh về vấn đề này. Theo những tài liệu mà cá nhân người viết tham khảo thì có thể đi đến một định nghĩa chung, khái quát như sau:
“ Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri là việc Đại biểu Quốc hội theo thời gian luật định thông qua các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức gặp gỡ cử tri ở địa phương nơi bầu ra mình theo để thu thập ý kiến, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri trình lên Quốc hội đồng thời báo cáo với cử tri việc thực hiện nhiệm vụ Đại biểu của mình, báo cáo công tác của Quốc hội”.
Như vậy, Đại biểu Quốc hội không phải tự mình tổ chức, tự quyết định thời gian tiếp xúc cử tri. Việc này phải thông qua những cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và được tiến hành định kì theo thời gian luật định. Nội dung buổi gặp gỡ phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc nhưng chung quy lại có hai vấn đề: Một là Đại biểu Quốc hội tiếp thu ý kiến của cử tri báo cáo lên Quốc hội. Hai là cử tri nghe Đại biểu Quốc hội báo cáo về việc làm nhiệm vụ đại biểu của mình và hoạt động của Quốc hội. Vấn đề thứ nhất cử tri nắm quyền chủ động chuẩn bị những kiến nghị đề xuất của mình phản ánh lên Đại biểu, Đại biểu nghe phản ánh và tiếp thu. Vấn đề thứ hai Đại biểu Quốc hội nắm quyền chủ động chuẩn bị những nội dung cần báo cáo để báo cáo với cử tri, cử tri nghe người đại biểu của mình báo cáo. Hai vấn đề trên thể hiện rất rõ mối liên hệ giữa Đại biểu quốc hội với cử tri. Nó cũng chỉ ra rõ chủ thể nào đóng vai trò giám sát, chủ thể nào đóng vai trò bị giám sát. Đại biểu Quốc hội là chiếc cầu nối giữa cử tri với cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất do mình bầu ra.
2. Lý luậnGiải quyết vấn đề này tức là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi Vì sao Đại biểu Quốc hội phải tiếp xúc cử tri?
 Nhà nước ta là nhà nước Xã hội chủ nghĩa, vấn đề quyền tự do dân chủ và quyền của công dân được tham gia vào việc quản lý nhà nước được đặc biệt được đề cao. Các kỳ Đại hội gần đây của Đảng cũng đã đưa ra chủ trương: “ Dân biết , dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội là đúng lý luận về thực hiện quyền tự do dân chủ, quyền tham gia vào việc quản lý nhà nước và quản lý xã hội của nhân dân:
2.1Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất:
  Một quốc gia nói chung, nhân dân không thể trực tiếp, thường xuyên sử dụng quyền lực nhà nước cho nên cần có các cơ quan đại biểu làm nhiệm vụ thực hiện quyền lực nhân dân, quản lý nhà nước. Nhân dân bầu ra các cơ quan này, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước, do vậy nó được gọi là cơ qua dân cử. Trong đó, có một cơ quan nắm quyền lực nhà nước tối cao, quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô – Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
 Vì nó là cơ quan mang tính chất “ đại diện” nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước nên nó phải do nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp bầu ra. Chính vì do nhân dân bầu ra nên nó phải chịu sự kiểm tra giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân dân về việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Vì nó thực hiện “Quyền lực nhà nước”, quyền lực có ý nghĩa tối cao và quản lý nhà nước ở “ Tầm vĩ mô” nên nó có vai trò quan trọng, vai trò quyết định đặc biệt với những vấn đề trọng đại của quốc gia, dân tộc. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân. Do đó, nhân dân cần phải tham gia cùng cơ quan đại diện của mình thực hiện công việc này. “ Quyết sách” của Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất phải được sự “ cố vấn” kiểm duyệt của nhân dân trước khi thông qua.
 Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất lấy ý kiến của nhân dân và nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình bằng nhiều cách nhưng “ Tiếp xúc cử tri” chính là công việc thể hiện đúng tinh thần trên nhất. Việc này được cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thực hiện thông qua các thành viên của mình là các “ Đại biểu dân cử”. Như vậy. Đại biểu dân cử chính là chiếc cầu nối quan trọng để Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất thể hiện mối liên hệ mật thiết đối với nhân dân.
 2.2Tăng cường tính dân chủ trong hoạt động quản lý Nhà nước.
 Ở Việt Nam, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất do nhân dân trực tiếp bầu ra để thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước.
 Đứng trên bình diện pháp lý, “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế quốc phòng, an ninh của đất nước những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.”(Điều 83 Hiến pháp 1992).
 Quốc hội hoạt động hằng năm theo định kỳ 2 lần mỗi năm. Trong kỳ họp đó, Quốc hội thảo luận và thông qua các đạo luật, quyết sách những vấn đề quan trọng của đất nước. Với những vấn đề này, Quốc hội không thể tự mình giải quyết được mà cần phải có sự đề xuất, đóng góp ý kiến của cử tri bởi lẽ những vấn đề mà Quốc hội đang thảo luận ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Hơn ai hết, họ biết được những vấn đề cụ thể của xã hội cần được đưa ra giải quyết bàn bạc. Những ý kiến đóng góp đó tất nhiên mang tính xây dựng.
2.3. Tăng cường mối liên hệ với cử tri địa phương.
  Một vấn đề nữa, xuất phát từ bản chất của công tác tiếp xúc cử tri. Tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội được tổ chức ở địa phương mà có cử tri bầu ra mình. Đặc trưng này là dấu hiệu cơ bản để phân biệt hoạt động tiếp xúc cử tri với hoạt động tiếp dân của Đại biểu Quốc hôi.Điều này có ý nghĩa gì?
  Điều này có ý nghĩa thiết thực, đó là tăng cường mối liên hệ, tính đại diện, tính đại biểu của Đại biểu Quốc hội với cử tri địa phương. Cử tri trong các cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội có sự lựa chọn kĩ càng những người đại biểu của mình, tín nhiệm, tin tưởng bầu họ vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Cử tri gửi gắm tất cả sự kì vọng vào đại biểu của mình. Có thể nói Đại biểu Quốc hội là người phát ngôn của cử tri địa phương nơi bầu ra mình. Chính vì vậy, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, Đại biểu Quốc hội có dịp báo cáo với cử tri những việc mà mình làm được cho cử tri, những việc chưa làm được. Tiếp theo, cử tri lại tiếp tục đề đạt với Đại biểu Quốc hội những tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống liên quan đến quyền và lợi ích của mình. Từ đó, giữa cử tri và người đại biểu của mình có mối liên hệ chặt chẽ với nhau hơn, tăng cường tính dân chủ ở địa phương.
2.4. Quốc hội quản lý Nhà nước ở tầm vĩ mô.
  Vấn đề tiếp theo, xuất phát sự nhìn nhận khách quan nhiệm vụ của Quốc hội. Xét đến cùng, đó là sự quản lý Nhà nước ở tầm vĩ mô. Các nhiệm vụ của Quốc hội: Lập Hiến, lập pháp; quyết sách những vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao hoạt động tuân thủ Hiến pháp và pháp luật suy cho cùng đó sự hoạt động quản lý nhà nước, xã hội ở tầm vĩ mô, bao quát.
  Đặc trưng của hoạt động quản lý này là mức độ rộng lớn, tính đa dạng, phong phú của chủ thể quản lý và khách thể quản lý. Do vậy, để thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của mình, Quốc hội phải thực hiện công tác tiếp xúc cử tri lắng nghe phản ánh cử tri, đó là kênh thông tin quan trọng để Quốc hội sử dụng trong hoạt động của mình.
Tiếp xúc cử tri hiện nay
 Tiếp xúc cử tri xảy ra khi một quốc gia dân tộc đã có cơ quan dân cử, một cơ quan do nhân dân bầu ra, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. Ở Việt Nam, trước cách mạng tháng Tám, trước ngày 6/1/1946, trong cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước hoàn toàn không có bất kì một cơ quan nào mang tính chất đại diện cho ý chí, nguyện vọng đích thực của nhân dân. Hình thức chỉnh thể quân chủ chuyên chế kéo dài ngót 2000 năm, đến thể chế nhà nước nửa thực dân nửa phong kiến thống trị gần 100 năm đã không cho nhân dân có được quyền đó. Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, nước nhà độc lập. Chỉnh thể cộng hoà được thiết lập thay cho chỉnh thể quân chủ, lần đầu tiên nhân dân lao động thực sự được hưởng quyền tự do dân chủ, làm chủ đất nước vận mệnh nước nhà. Ngày 6/1/1946 cuộc bầu cử Nghị viện nhân dân (tên gọi đầu tiên của Quốc hội) được tổ chức. Từ đây, nhân dân có cơ quan dân cử đại diện cho quyền lợi của mình. Cũng từ dấu mốc này, hoạt động tiếp xúc cử tri mới thực sự ra đời. Tuy nhiên, tuỳ theo tình hình sử cụ thể, vào từng giai đoạn lịch sử cụ thể, với những hoàn cảnh điều kiện khác nhau mà công tác này được quy định với hình thức nội dung, và thời gian khác nhau. Từ Quốc hội khoá I đến Quốc hội khoá V công tác tiếp xúc cử tri diễn ra hạn chế với do nguyên nhân và tình hình thực tế như được trình bày ở trên. Quốc hội khoá VI từ 24/6/1976 đến nay đã tăng cường công tác tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội, tăng cường quyền làm chủ của nhân dân trong việc thực hiện quyền lực nhà nước.
1. Tiếp xúc cử tri hiện nay – Cơ sở luật định:
1.1 Hiến pháp năm 1992:
 Điều 97 quy định: “…Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan nhà nước hữu quan, thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội; trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó…
 1.2. Nghị quyết của Quốc hội về việc ban hành quy chế hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội (số 08/2002/QH11):
 Điều 12:
 1. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp xúc cử tri theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội. Trong trường hợp không thể tham gia tiếp xúc cử tri thì Đại biểu Quốc hội báo cáo với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.
2. Đại biểu Quốc hội có thể tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc. Đại biểu Quốc hội liên hệ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc địa phương nơi cư trú hoặc Ban chấp hành Công đoàn nơi làm việc để tổ chức cho Đại biểu tiếp xúc cử tri.
3. Uỷ ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành quy định về việc Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.
 Điều 13:
  Mỗi năm một lần, kết hợp với việc tiếp xúc cử tri trong thời gian cuối năm, Đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ Đại biểu của mình….
 1.3. Hướng dẫn về việc Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri (Ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 06/2004/NQLT/UBTVQH11- ĐCTUBTWMTTQVN ngày 10/9/2004) có những quy định như sau:
 Điều 1. Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với cử tri
1- Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho cử tri, đại biểu cho ‎ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước và nơi bầu ra mình, phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan.
2- Trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội khoảng hai mươi ngày, đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri ở địa phương mình ứng cử để thu thập ý kiến, nguyện vọng của cử tri về những vấn đề thuộc chương trình, nội dung kỳ họp Quốc hội và những ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương.
3- Trong khoảng hai mươi ngày kể từ sau ngày bế mạc kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp xúc với cử tri ở địa phương mình ứng cử để báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội và kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri.
4- Mỗi năm một lần, vào cuối năm, kết hợp với việc tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội phải báo cáo với cử tri ở đơn vị bầu cử nơi bầu ra mình về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và thực hiện chương trình hành động của mình đã hứa trước cử tri.
5- Ngoài những đợt tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần tiếp xúc cử tri cả ở nơi cư trú và nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo các chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội quan tâm hoặc trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri.
Điều 4. Hình thức tiếp xúc cử tri
1- Hội nghị tiếp xúc cử tri:
a) Theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội tại địa phương nơi đại biểu Quốc hội ứng cử.
b) Theo nơi cư trú, nơi làm việc.
c) Theo chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
2- Gặp gỡ, tiếp xúc cá nhân hoặc nhóm cử tri.
 Như vậy, công tác tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội đã được trong Hiến pháp và pháp luật. Điều này đặt ra những quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật này.
 Theo tinh thần của điều luật,công tác tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội mang những đặc điểm chính sau đây:
 Thứ nhất, mỗi năm Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tối thiểu là bốn lần trước và sau hai kỳ họp. Điều này căn cứ vào chương trình kỳ họp của Quốc hội trong một năm.
 Điều 2 Nghị quyết của Quốc hội về việc ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (số 07/2002/QH11) có hiệu lực hiện hành quy định:
 “ Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ, kỳ họp giữa năm và kỳ họp cuối năm. Trong trường hợp Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số Đại biểu Quốc hội yêu cầu hoặc theo quyết định của mình, Uỷ ban thường vụ Quốc hội triệu tập Quốc hội họp bất thường”. Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri để truyền đạt cho cử tri những nội dung mà Quốc hội dự kiến sẽ bàn luận trong kỳ họp, đồng thời nghe cử tri góp ý kiến về chương trình kỳ họp đó, đề đạt những nguyện vọng vướng mắc của mình làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung chương trình kỳ họp của Quốc hội. Sau kỳ họp, tiếp xúc cử tri để Đại biểu Quốc hội truyền đạt, giải thích cho cử tri những gì mà trong kỳ họp của mình Quốc hội đã thảo luận, thông qua hoặc chưa thông qua.
 Thứ hai, công tác tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội như sau: Đại biểu Quốc hội liên hệ với Uỷ ban mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân, Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân địa phương để tổ chức tiếp xúc cử tri. Các tổ chức nói trên chịu trách nhiệm chuẩn bị, thu xếp thời gian, địa điểm để Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, danh sách cử tri được mời tham dự trong buổi tiếp xúc.
 Thứ ba, nội dung buổi tiếp xúc là Đại biểu báo cáo, truyền đạt, giải thích và tiếp thu ý kiến, cử tri nghe báo cáo công tác, giải thích từ Đại biểu Quốc hội đồng thời đề đạt những tâm tư nguyện vọng, ý kiến cá nhân của mình. Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để sắp xếp nội dung buổi tiếp xúc.
 Thứ tư, hình thức tiếp xúc có thể là theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội tại địa phương nơi Đại biểu Quốc hội ứng cử, theo nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực mà Đại biểu Quốc hội quan tâm, gặp gỡ, tiếp xúc cá nhân hoặc nhóm cử tri.
2. Hạn chế, những bất cập của công tác tiếp xúc cử tri.
 Như trên đã trình bày, Quốc hội đóng vai trò là cơ quan dân cử, nắm quyền lực nhà nước tối cao. Mỗi quyết sách được cơ quan này thông qua có ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của nhân dân. Với ý nghĩa đó, để đảm bảo tính hiệu quả và đúng đắn trong các quyết định của mình, tăng cường tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội là đúng lý luận về việc nguồn gốc quyền lực nhà nước, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Pháp luật đã quy định hoạt động này trong các văn bản pháp quy.
 Tuy nhiên, sự không rõ ràng trong các quy định này liên quan đến những vấn đề trong một cuộc tiếp xúc cử tri đã dẫn đến nhiều hạn chế, bất cập làm giảm đi hiệu quả, ý nghĩa của cuộc tiếp xúc, giảm đi lòng tin của cử tri.
2.1. Về thời gian, số lượng của cuộc tiếp xúc:
 Thứ nhất, về thời gian hay số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri trong năm: Theo quy định hiện hành thì thời gian tiếp xúc cử tri trong mỗi năm là trước và sau kỳ họp của Quốc hội ngoài ra Đại biểu Quốc hội có thể tiếp xúc cử tri theo hình thức gặp gỡ, tiếp xúc cá nhân hoặc nhóm cử tri. Theo đó, số lượng buổi tiếp xúc tối thiểu là bốn lần trong năm nhưng đặt ra yêu cầu cho Đại biểu có thể tăng số lần tiếp xúc tuỳ theo yêu cầu công tác hay sự năng động của mỗi Đại biểu. Tuy nhiên, theo như thực tế thì các cuộc tiếp xúc cử tri chỉ diễn ra theo lịch trình là bốn lần trên năm, còn các cuộc tiếp xúc gặp, gỡ cá nhân hay nhóm cử tri thì hầu như không được thực hiện hoặc thực hiện rất hạn chế. Điều này có lý do, cũng có thể Đại biểu Quốc hội hiện nay đa phần là kiêm nhiệm nên bị hạn chế về thời gian. Tuy vậy, không thể phủ nhận một thực tế rằng một số Đại biểu nhân dân chưa thực sự tận tuỵ, sâu sát trong việc bám dân.
 Thứ hai, về thời gian tổ chức một cuộc tiếp xúc cử tri: Hiện nay chưa có một quy định rõ ràng về thời gian cho một cuộc tiếp xúc cử tri. Trên thực tế, một cuộc tiếp xúc cử tri tổ chức đúng tinh thần với nội dung chủ yếu là cử tri phản ánh tâm tư nguyện vọng của mình hay nêu lên những bức xúc thì cần rất nhiều thời gian. Điều này là do các quan hệ xã hội hết sức đa dạng và phong phú mà pháp luật chưa thể điều chỉnh được một cách kịp thời, thêm vào đó quá trình áp dụng pháp luật vào thực tiễn cuộc sống không diễn ra một cách dễ dàng và suôn sẻ. Chính diều này dẫn đến việc cử tri có rất nhiều thắc mắc, kiến nghị hay ý kiến phản ánh. Nhưng hiện nay đa phần các cuộc tiếp xúc cử tri chỉ diễn ra ngắn gọn trong chỉ một buổi. Vậy hỏi làm sao Đại biểu Quốc hội có thể tiếp thu hết những kiến nghị những phản ánh của cử tri?
 Thứ ba, về cơ cấu nội dung của một cuộc tiếp xúc cử tri. Điều 11 Hướng dẫn về việc Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri (Ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 06/2004/NQLT/UBTVQH11- ĐCTUBTWMTTQVN ngày 10/9/2004) quy định cụ thể chương trình của một cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ, hình thức chủ yếu của các cuộc tiếp xúc cử tri hiện nay, gồm sáu nội dung. Tuy nhiên, nội dung Đại biểu Quốc hội báo cáo cử tri được thực hiện thông quaviệc Đại biểu Quốc hội đọc một bài văn viết sẵn báo cáo kết quả hoạt động của Quốc hội kỳ họp trước và nội dung dự kiến của kỳ họp tiếp theo (phần này chiếm hơn nữa thời gian của cuộc tiếp xúc) đã trở thành một mô típ quen thuộc. Trong khi đó, thời gian để cử tri kiến nghị phát biểu thì lại quá ít. Nếu vậy thì lấy đâu ra hiệu quả, lấy đâu ra những ý kiến mang tính đóng góp cao của cư tri để tổng hợp báo cáo lên Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
2.2. Thành phần tham dự:
 Điều 5 Hướng dẫn về việc Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quy định: “Thành phần hội nghị tiếp xúc cử tri:
1- Đại diện cấp uỷ Đảng, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan ở mỗi cấp.
2- Cử tri trực tiếp làm việc, học tập tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế.
3- Cử tri ở thôn, buôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố.
 Ngoài ra, pháp luật thực định không có bất cứ một quy đinh nào khác về thành phần tham dự hay làm thế nào để cử tri có thể tham dự buổi tiếp xúc. Chính sai sót này dẫn đến những hạn chế trong khâu này của công tác tiếp xúc cử tri.
 Thứ nhất, theo quy định trên thì Uỷ ban nhân dân phải tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng không quy định rõ ràng là những ai trong Uỷ ban nhân dân bắt buộc phải tham dự và những ai không? Thiết nghĩ, những kiến nghị của cử tri trong buổi tiếp xúc phần lớn thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân. Và tiếp xúc cử tri là một dịp tốt để Uỷ ban nhân dân có thể hiểu rõ hơn những vấn đề đang được đặt ra ở địa phương mình, từ đó đề ra những biện pháp giả quyết hay phương pháp quản lý phù hợp và có hiệu quả hơn. Tuy vậy, thực tế theo như đồng chí Phạm Thế Duyệt, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Viêt Nam: “ mấy vị có trách nhiệm ở tỉnh, ở huyện thường không đi dự cùng ĐBQH, chỉ cử những ông như Phó Chủ tịch HĐND hoặc những ông chẳng có quyền quyết sách gì cả cùng dự với ĐBQH...” (1) . Đây còn là kẽ hở để Uỷ ban nhân dân đưa nhiều người của mình tham dự vào buổi tiếp xúc thế chỗ những cử tri mà theo họ “ nếu để mấy ông X, ông Y đến nói, đến “móc” ra thì chết dở...(2).
 Thứ hai, về phía cử tri, những quy định mang tính chung chung như trên chưa xác định rõ một vấn đề làm thế nào để một cử tri có thể tham dự vào cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội? Hiện nay, trên cơ chế chung thì chỉ có các cử tri có giấy mời mới được tham dự. Dựa vào đó, những giấy mời được gửi đến phần nhiều cho các vị lãnh đạo Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Đảng uỷ, hay các vị trong hội đồng nhân dân. Còn cử tri là người dân bình thường, những người có nhiều ý kiến muốn đóng góp hay những người đang có nhiều kiến nghị liên quan đến thẩm quyền giải quyết của các ban ngành trên thì ít có cơ hội tham dự. Đơn giản vì họ không có “giấy mời”“… Thường những cử tri có giấy mời mới đến dự và phát biểu tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội” - ông Ngô Tự Nam, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tổng kết như vậy tại hội thảo “Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội” do Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức từ ngày 19 đến 21/3/2009 tại TP.HCM.(3)
Theo quan điểm "dân chủ đại diện", việc tiếp xúc cử tri thường được tổ chức thông qua việc cử một hội đồng đại diện do chính quyền lựa chọn. Khi các đại biểu về các địa phương, tiếng là tiếp xúc cử tri nhưng thực chất họ chỉ tiếp xúc với những cử tri do chính quyền địa phương lựa chọn, hay nói cách khác là tiếp xúc với Hội đồng quan chức địa phương. Thực chất của Hội đồng này chỉ là cánh tay nối dài của chính quyền. Những tâm tư và nguyện vọng do họ trình bày, đề đạt đều rất chung chung và đặc biệt là không xung đột lợi ích với chính quyền. Trên lý thuyết, họ là đại cử tri. Nhưng trên thực tế đại cử tri không phải lúc nào cũng đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Chính vì thế, ý kiến của họ chưa phản ánh được đúng nguyện vọng của người dân, mà chỉ phản ánh được nguyện vọng và lợi ích của Hội đồng quan chức ấy. “Thực tế cho thấy, chỉ một số ít nơi tổ chức tiếp xúc cử tri tương đối tốt còn phần lớn vẫn mang tính hình thức, đó là điều đáng lo lắng. Quan sát các cuộc tiếp xúc cử tri thì thấy đến đâu cũng thấy triệu tập lãnh đạo địa phương, thấy ông Bí thư, Chủ tịch xã, ông đại diện Mặt trận, đại diện tổ chức đoàn thể nên người dân vẫn gọi họ là “đại cử tri”. Việc dân nói “ĐBQH kiêm nhiệm, cử tri chuyên trách” là có thật.(4)
2.3. Địa điểm tổ chức:
 Khoản 2 Điều 1 Hướng dẫn về việc Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri (Ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 06/2004/NQLT/UBTVQH11- ĐCTUBTWMTTQVN ngày 10/9/2004) quy định: “Trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội khoảng hai mươi ngày, đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri ở địa phương mình ứng cử...”. Khoản 2 Điều 12 Nghị quyết của Quốc hội về việc ban hành quy chế hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội (số 08/2002/QH11) quy định: “ Đại biểu Quốc hội có thể tiếp xúc cử tri nơi cư trú hoặc nơi làm việc…
 Như vậy, pháp luật thực định không quy định cụ thể địa điểm tổ chức cuộc tiếp cử tri. Chỉ có một quy định mang tính khuyến khích như sau: “ Đại biểu Quốc hội có thể tiếp xúc cử tri nơi cư trú hoặc nơi làm việc…” (Khoản 2 Điều 12 Nghị quyết của Quốc hội về việc ban hành quy chế hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội (số 08/2002/QH11). Đa phần cử tri đến buổi tiếp xúc đều mang mục đích là muốn kiến nghị hay phản ánh ý kiến của mình về những vấn đề nổi cộm của xã hội. Địa bàn nào có càng đông dân cư, nhiều thành phần trong xã hội sinh sống thì càng có nhiều vấn đề cần phản ánh. Theo đó, nếu muốn tiếp xúc cử tri có hiệu quả thì phải tổ chức tiếp xúc cử tri ở khu dân cư hay những địa điểm đông người. Ngoài ra, việc tiếp xúc cử tri nơi làm việc, nơi cư trú hết sức hạn chế.Trên thực tế, địa điểm tổ chức buổi tiếp xúc thường là các trụ sở Uỷ ban nhân dân. Như thế làm sao để Đại biểu Quốc hội hiểu rõ những bức xúc của người dân để báo cáo lên Quốc hội.
2.4. Về công tác tổ chức:
 Hướng dẫn về việc Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri (Ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 06/2004/NQLT/UBTVQH11- ĐCTUBTWMTTQVN ngày 10/9/2004) quy định:
 Điều 8:
 “Trách nhiệm của Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh:
1- Phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với cử tri.
2- Mời các thành phần theo dự kiến và chủ trì các hội nghị tiếp xúc cử tri ở cấp tỉnh.
3- Hướng dẫn Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp dưới phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cùng cấp tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri, mời các thành phần theo dự kiến và chủ trì Hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở cấp mình.
4- Phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trong các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở địa phương.
 Khoản 3 Điều 9:
 “Trách nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân và Uỷ ban     nhân dân cấp tỉnh:
Hướng dẫn Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp dưới phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở địa phương; chuẩn bị địa điểm, tổ chức truyền thanh trực tiếp ở những nơi có hệ thống truyền thanh, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho các cuộc tiếp xúc cửtri.
 Như vậy, trước khi tiếp xúc cử tri Đại biểu Quốc hội thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội liên hệ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc địa phương, Thường trực hội đồng nhân dân, Đảng uỷ và Uỷ ban nhân dân cơ sở để phối hợp tiếp xúc cử tri nhưng người chủ trì nhất thiết phải là Uỷ ban mặt trận Tổ địa phương. Với vai trò chủ trì của mình, Mặt trận Tổ quốc sẽ quyết định những ai tham dự và gửi giấy mời. Tuy nhiên, trên thực tế một số các địa phương Uỷ ban nhân dân lại là thay việc này cho Mặt trận Tổ quốc dẫn đến tình trạng tiêu cực thiếu, khách quan.
 Vấn đề tiếp theo đó là nhiệm vụ chuẩn bị địa điểm cuộc tiếp xúc được luật giao cho Uỷ ban nhân dân. Như thế thì khó đảm bảo hiểu quả của cuộc tiếp xúc.                                                                “Chỗ nào ngon lành thì bố trí tiếp xúc, chỗ nào gai góc lại tránh xa... thì chẳng bao giờ ĐBQH nghe được vấn đề bức xúc cụ thể trong đời sống ngoài mấy vấn đề chung chung ai cũng biết cả rồi", trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, Chủ tịch MTTQ VN Phạm Thế Duyệt bức xúc nói.(5)
 Một vấn đề đáng quan tâm là cho đến nay các nội dung của cuộc tiếp xúc cử tri hay nói đúng hơn là các nội dung mà Quốc hội đã thông qua hay chuẩn bị thông qua cần lấy ý kiến cử tri, các nội dung Quốc hội chuẩn bị thảo luận trong kỳ họp tới hầu như chỉ đến buổi tiếp xúc, cử tri mới biết được. Do vậy, trong buổi tiếp xúc,   cử tri chưa có sự chuẩn bị ý kiến, chưa nắm vững vấn đề cần đóng góp thì khó mà phát biểu ý kiến một cách có hiệu quả được. 
2.5. Ý kiến của cử tri:
 Theo luật định và lý luận, ý kiến cử tri trong buổi tiếp xúc sẽ có ý nghĩa đóng góp hơn nếu nó đi vào trọng tâm những vấn đề mà Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp trước và những vấn đề mà Quốc hội dự kiến thảo luận trong kỳ họp tới. Bởi lẽ, bản chất của hoạt động tiếp xúc cử tri là để Quốc hội nhận được ý kiến đóng góp, nhận xét của cử tri về những vấn đề mà Quốc hội bàn bạc thảo luận trong các kỳ họp của mình. Thông qua đó, cử tri tham gia vào quá trình quản lý, thực hiện quyền lực nhà nước. “ Đúng ra thì khi Đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc, cử tri sẽ phải kiến nghị những vấn đề lớn, ở tầm vĩ mô của đất nước và cứ thế, mức độ quan trọng của các kiến nghị sẽ giảm dần theo cấp đại diện. Thế nhưng làm thế nào để một cử tri bình thường có thể dành quan tâm sâu sắc cho một vấn đề không liên quan sát sườn đến lợi ích vật chất, tinh thần của cá nhân, gia đình và cao hơn chút là khu phố, ngõ xóm nơi họ ở lại là một chuyện khác(6). Những kiến nghị, phản ánh của cử tri liên quan đến những vấn đề của bản thân sẽ được giải quyết hiệu quả và đúng pháp luật thực định hơn nếu thực hiện trong hoạt động tiếp dân của Đại biểu Quốc hội.
Cũng cần phải nhấn mạnh một vấn đề rằng, không nên có cái nhìn thiên lệch nếu bàn về những vấn đề lớn trọng đại của quốc gia, dân tộc thì cử tri cảm thấy xa rời lợi ích thiết thân, cụ thể của mình sẽ dẫn đến bệnh im lặng của cử tri. Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên phó chủ nhiệm VPQH, ĐBQH Khoá X, XI đóng góp ý kiến: “Mỗi kỳ họp Quốc hội đều thông qua một số luật. Đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc cử tri cần chú ý đến đối tượng cử tri mà có luật phải dừng lại nói nhiều, có đạo luật chỉ giới thiệu qua để biết. Ví dụ, tiếp xúc cử tri ở thành phố, thị xã thì chú ý đến các luật về đầu tư, doanh nghiệp, bảo vệ môi trường, luật về thuế… Đối với nông dân, chú ý luật đất đai, Luật hợp tác xã, Luật dân sự, Luật hôn nhân, gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình…(7). Làm được như vậy, lẽ tất nhiên cử tri sẽ sẽ có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực hơn, vừa kết hợp được lợi ích bản thân với lợi ích đa số.
2.6. Trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức có liên quan:
 Thứ nhất, về phía Đại biểu Quốc hội, pháp luật thực định chưa quy định rõ ràng về chế độ trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội. Mỗi khóa QH đều có xem xét, thảo luận, đánh giá công tác của QH, UBTVQH, các cơ quan của QH trong cả nhiệm kỳ. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có cơ chế rõ ràng, minh bạch để cử tri nhận xét, đánh giá chất lượng hoạt động, kết quả thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH. Mặc dù đã có quy định trách nhiệm của ĐBQH và hậu quả pháp lý trong trường hợp ĐBQH vi phạm pháp luật, nhưng lại chưa có quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá chất lượng thực thi nhiệm vụ của ĐBQH. Đây là nguyên nhân làm cho việc đánh giá hoạt động cũng như trách nhiệm của ĐBQH trước cử tri chưa thật rõ ràng, mà phần nhiều mới dựa trên tinh thần tự giác của ĐBQH. Đáng lưu ý, căn bệnh im lặng tồn tại dai dẳng và khá trầm trọng ở một bộ phận ĐBQH. Có những Đại biểu hầu như không bao giờ phát biểu suốt cả kỳ họp, kể cả những phiên họp ở tổ lẫn ở Hội trường. Trước thực tế đó, có người đã thốt lên: "Sao các vị giữ mồm, giữ miệng thế?(8) Phải chăng cử tri của họ không có điều gì để kiến nghị để bức xúc? Đại biểu do dân bầu và có chức trách là đại diện cho dân, nhưng sự thực thay vì phản biện bảo vệ quyền lợi của dân, có người còn né tránh những yêu cầu chính đang của công dân đã bầu ra mình.
 Thứ hai, các cá nhân, cơ quan mà Quốc hội gửi kiến nghị của cử tri đến yêu cầu giải quyết. Pháp luật hiện hành đã quy định rằng các cơ quan, cá nhân khi nhận được kiến nghị của cử tri do Đại biểu Quốc hội gửi đến thì phải nghiên cứu trả lời cho cử tri và phải thông báo kết quả giải quyết đến Đại biểu Quốc hội khi ĐBQH yêu cầu. Thế nhưng, pháp luật chưa quy định rằng thời gian trả lời kiến nghị là bao lâu, bị xử lý bởi hình thức xử lý như thế nào khi việc giải quyết đó không thoả đáng hay trái pháp luật. Một vấn đề nữa, Đại biểu Quốc hội sau khi tiếp xúc ở một địa phương, nhận kiến nghị của cử tri, gửi đến cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương giải quyết. Sau đó, lại đi đến một địa phương khác để tiếp xúc cử tri thì khó mà có cơ chế giám sát sâu sát hoạt động giải quyết kiến những kiến nghị của cử tri. Liên quan đến vấn đến vấn đề này Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu: “Trong các báo cáo đều nêu, trong năm mỗi ĐB tiếp xúc với bao nhiêu lượt cử tri. Đây là con số cần nhưng chưa đủ. Tại sao chúng ta không thống kê đã giải quyết được bao nhiêu trường hợp, tỷ lệ giải quyết đúng là bao nhiêu, tỷ lệ đúng sai trong các đơn thư khiếu nại, tố cáo là bao nhiêu...?(9) Điều này cho thấy một thực tế rằng việc không quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân hay cơ quan liên quan trong vấn đề này là một sai sót lớn, một lỗ hỏng lớn của pháp luật.
 Qua các nội dung mà chúng tôi vừa trình bày ở trên, chúng ta phần nào đã có cái nhìn tổng quát và toàn diện hơn đến những vấn đề còn vướng mắc hiện nay trong công tác tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội. Để thiết thực nâng cao chất lượng hiệu quả của một hoạt động liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân dân tham gia vào quá trình quản lý nhà nước và xã hội này cần có những giải pháp cụ thể, kịp thời.
Chú thích:
(1),(2) www.caicachhanhchinh.gov.vn truy cập 8h45’ ngày 10/5/2009
(3) www.tuoitre.com.vn truy cập 9h45’ ngày 12/5/2009
(4) www.vietbao.com.vn  truy cập 11h45’ ngày 14/5/2009
(5) www.tienphong.vn  truy cập 9h30’ ngày 12/5/2009
(6) www.nguoidaibieu.com.vn  truy cập 11h30’ ngày 14/5/2009
(7) www.ttbd.gov.vn truy cập 8h30’ ngày 12/5/2009  
(8) www.chungta.com truy cập 15h15’ ngày 17/5/2009
(9) www.tin247.com truy cập 18h20’ ngày 15/5/2009 
Đổi mới công tác tiếp xúc cử tri
Đây là một vấn đề không mới nhưng không bao giờ cũ. Trên các diễn đàn, sách báo hiện nay đã có rất nhiều ý kiến tranh luận, phản ánh nội dung này. Trước thềm kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XII, dựa trên sự tham khảo các bài báo, tài liệu chuyên ngành cộng với kiến thức pháp lý và thực tiễn của cá nhân, chúng tôi xin đưa ra những quan điểm của mình xung quanh vấn đề này.
1. Đổi mới thời gian, số lượng hoạt động tiếp xúc cử tri:
 Về khía cạnh này, chúng tôi nghĩ rằng Đại biểu Quốc hội nên tăng cường số lượng và thời gian tiếp xúc cử tri dưới các hình thức theo nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực mà ĐBQH quan tâm, gặp gỡ tiếp xúc cá nhân hoặc nhóm cử tri.
 Thời gian của một cuộc tiếp xúc cử tri không nên bó hẹp trong một buổi có thể diễn ra trong một ngày ở địa bàn có nhiều điểm nóng hay cử tri có nhiều ý kiến phản ánh.
 Nội dung báo cáo của Đại biểu Quốc hội với cử tri không nên quá dài dòng, tuỳ theo từng đối tượng cử tri mà nội dung nào nên nhấn mạnh nội dung nào chỉ giới thiệu qua cho biết. Phần thời gian còn lại nên giành phần lớn cho việc cử tri phát biểu ý kiến đóng góp. Như thế thì vừa đảm bảo hiệu quả lại vừa đúng ý nghĩa của một cuộc tiếp xúc cử tri.
2. Đổi mới thành phần tham dự:
 Với khía cạnh này, trước hết phải nói một cách rõ ràng rằng phải dở bỏ hàng rào hễ có giấy mời mới được tham dự. Nếu cứ thực hiện như vậy thì tính khách quan sẽ không được đảm bảo. Và theo chúng tôi, tính dân chủ đã bị vi phạm nghiêm trọng. Đại biểu do mình bầu ra, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước, về mặt lý luận mà nói tất nhiên mình có quyền được nghe báo cáo, tham gia đóng góp ý kiến và giám sát việc thực hiện quyền lực đó. Tuy nhiên, một bộ phận thiểu số đại cư tri đã mặc nhiên tước bỏ một trong số những quyền công dân cơ bản nhất của số lượng lớn cử tri bởi hàng rào giấy mời này. Thực tế, có những cử tri năm nào cũng ưu ái nhận được giấy mời rồi chính họ cũng phát biểu một vấn đề chung chung năm này qua năm khác. Trong khi đó, có rất nhiều người có nhiều ý kiến muốn phát biểu đóng góp nhưng lại không được tham dự đơn giản vì họ không có giấy mời. Do đó, ĐBQH ít được nghe những ý kiến mang tính đóng góp của cử tri hơn.
 Trong trường hợp, ở một số địa phương, cử tri có nhiều kiến nghị, ý kiến cần phản ánh nhưng do điều kiện khách quan không thể tổ chức một cuộc tiếp xúc có sự góp mặt đầy đủ cử tri thì tiếp xúc với Đại cử trivẫn có thể có hiệu quả nếu được tổ chức đúng như tên gọi của nó. Trước buổi tiếp xúc cử tri, đại diện các ban ngành, tổ chức trong Mặt trận Tổ quốc cử những cử tri có uy tín và trình độ đi nắm bắt, thu thập tổng hợp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri để kiến nghị lên Đại biểu Quốc hội. Cách làm này có hiệu quả cả về phương diện lý luận và thực tiễn. “Để buổi TXCT hấp dẫn hơn, theo tôi cần chuẩn bị một số cử tri đại diện cơ sở. Trước khi TXCT, chúng tôi cho MTTQ phường cùng chính quyền cơ sở đi nắm những vấn đề bức xúc của địa phương hoặc thông qua các “chân rết” nắm tâm tư, nguyện vọng của dân. Những cử tri đại diện sẽ nắm được bức xúc đó để chuyển tải tới ĐBQH. Nếu làm tốt việc này thì buổi TXCT sẽ có chất lượng cao hơn, sẽ có nhiều ý kiến góp ý hơn.”( Ông Nguyễn Công Danh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 8 TP Hồ Chí Minh)(1).
 Đổi mới ở khía cạnh này còn phải lưu ý trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước ở địa phương. Những kiến nghị của cử tri phần lớn thuộc thẩm quyền giả quyết của cơ quan tổ chức này. Do đó, bắt buộc những người đứng đầu phải tham dự  buổi tiếp xúc để giải trình cho cử tri (trừ trường hợp có công tác đột xuất)
3. Đổi mới địa điểm tiếp xúc cử tri:
 Địa điểm tiếp xúc cử tri không nên tổ chức ở trụ sở Uỷ ban nhân dân, những nơi quá sang trọng dễ tạo cảm giác xa cách giữa ĐBQH với cử tri. Nên tổ chức tiếp xúc cử tri ở khu dân cư, những nơi đông đúc người qua lại, có nhiều thành phần xã hội sinh sống. Địa điểm cụ thể có lẽ là nhà văn hoá địa phương hay trường học là thích hợp nhất tạo cảm giác thân thiện giữa Đại biểu với cử tri. Từ đó, buổi tiếp xúc sẽ diễn ra trong bầu không khí cởi mở thoải mái giống với buổi gặp gỡ giữa Đại biểu với nhân dân hơn là Hội nghị tiếp xúc cử tri. Đầu tháng 5/2006, trong cuộc tiếp xúc cử tri của hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình (Hà Nội) trước thềm kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ: "Cần đổi mới công tác tiếp xúc cử tri theo hướng tăng cường các cuộc tiếp xúc và tiếp xúc trực tiếp với cử tri tại các cụm dân cư để nắm bắt và giải quyết những nguyện vọng của nhân dân".(2)
4. Đổi mới công tác tổ chức tiếp xúc cử tri:
 Pháp luật thực định đã quy định rõ ràng rằng nhiệm vụ chủ trì cuộc tiếp xúc được giao cho Mặt trận Tổ quốc ở địa phương, nhưng không hiểu sao Uỷ ban nhân dân, Thường trực hội đồng nhân dân ở địa phương lại lấn sân việc này. Cần quy định rõ hình thức xử lý với những sai trái như thế này. Bên cạnh đó, nhiệm vụ chỉ định và chuẩn bị địa điểm tổ chức cuộc tiếp xúc theo pháp luật hiện hành thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân nên giao lại cho Mặt trận Tổ quốc địa phương thì chắc chắn sẽ đảm bảo tính dân chủ công khai hơn, tránh việc “Chỗ nào ngon lành thì bố trí tiếp xúc, chỗ nào gai góc lại tránh xa... thì chẳng bao giờ ĐBQH nghe được vấn đề bức xúc cụ thể trong đời sống ngoài mấy vấn đề chung chung ai cũng biết cả rồi" (đ/c Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch MTTQ VN)(3)
 “ Cử tri phải nắm vững vấn đề mới hỏi được. Ví dụ như báo cáo của ĐBQH, các dự án luật cần góp ý phải gửi cho cử tri đi họp biết trước. Như vậy mình mới biết mà hỏi và người ta trả lời thì mình còn biết đúng hay chưa mà hỏi tiếp chứ”, Bà Khưu Thị Điệp cử tri xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) đóng góp(4). Từ ý kiến này, chúng tôi xin đề xuất, nội dung của cuộc tiếp xúc cử tri cần được thông báo hay gửi đến cử tri một vài ngày trước khi Đại biểu về tiếp xúc. Làm được như vậy, cử tri có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề từ đó sẽ đóng góp nhiều hơn cho Kỳ họp Quốc hội.
 Một vấn đề nữa, hiện nay ở hầu hết các địa phương trong cả nước từ tỉnh đến huyện, xã và khu phố cùng các đơn vị tương đương đều được trang bị một hệ thống truyền thanh, truyền hình khá đồng bộ và hoàn chỉnh. Thiết thực nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri, các ban ngành cần chỉ đạo tăng cường phát thanh, truyền hình rộng rãi đặc biệt là xã, phường, khu phố và tương đương cùng các địa bàn vùng sâu vùng xa để những cử tri vì những lý do khách quan và chủ quan không thể trực tiếp tham dự có thể biết được nội dung của buổi tiếp xúc.
5. Đổi mới ý kiến của cử tri:
 Về khía cạnh này, chúng tôi cho rằng  ý kiến cử tri phản ánh, đóng góp nên bám sát những nội dung mà Quốc hội vừa thảo luận hoặc là thông qua tại kỳ họp vừa rồi và những nội dung mà Quốc hội dự định thảo luận tại kỳ họp tới. Như vậy, Đại biểu Quốc hội có thể thu thập được nhiều ý kiến mang ý nghĩa đóng góp của cử tri hơn để đệ trình lên Quốc hội. Tránh trường hợp, suốt buổi tiếp xúc, cử tri chỉ chú ý đến việc kiến nghị với Quốc hội những vấn đề liên quan đến lợi ích cá nhân, một bộ phận thiểu số người dân trên địa bàn. Tại cuộc tiếp xúc cử tri hai quận Ba Đình và Cầu Giấy (Hà Nội) ngày 4/5/2009 chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Cử tri nên tập trung vào các vấn đề làm được, chưa làm được của kỳ họp trước, hoặc đóng góp ý kiến vào các dự án luật của kỳ họp này. Không nên coi nơi tiếp xúc cử tri là nơi khiếu kiện, tố cáo(5).Những nội dung này cử tri nên kiến nghị với Đại biểu trong công tác tiếp dân, một hoạt động pháp lý bắt buộc khác của Đại biểu Quốc hội. Trong hoạt động này, Đại biểu có nhiều thời gian để giám sát việc giải quyết những kiến nghị của cử tri ở các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, hiệu quả đem lại dĩ nhiên sẽ cao hơn.
 Để làm được điều đó, những nội dung mà Đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri nên ngắn gọn và có sự chọn lọc. Nghĩa là những nội dung nào liên quan nhiều đến đời sống của cư tri địa bàn tiếp xúc thì nên giành thời gian báo cáo, giải thích nhiều hơn, cử Đại biểu có năng lực và kiến thức trong lĩnh vực đó đến tiếp xúc, còn những nội dung nào ít liên quan thì có thể chỉ giới thiệu sơ qua cho biết.
6. Đổi mới cơ chế chịu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan:
 Cá nhân, tổ chức có liên quan ở đây chính là Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, cá nhân và tổ chức có nhiệm vụ giải quyết những kiến nghị của cử tri khi Đại biểu gửi đến, Uỷ ban nhân dân, Thường trực HĐND, Đảng uỷ địa phương mà quan trọng nhất chính là phải xem xét lại trách nhiệm và vai trò cụ thể của Đại biểu Quốc hội. “Muốn nâng cao hiệu quả TXCT thì phải từ đại biểu chứ không phải từ cử tri. Điều đầu tiên là mỗi đại biểu phải phát huy tinh thần chủ động và trách nhiệm trước cử tri.”( Đ/c Huỳnh Thành Lập Phó đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh)(6)
 Pháp luật thực định chỉ quy định một cách chung chung rằng các cá nhân, tổ chức trên trong phạm vi quyền hạn của mình phối hợp giải quyết các công việc liên quan đến công tác tiếp xúc cử tri mà không quy định rõ ràng về hình thức xử lý khi không hoàn thành nhiệm vụ hay thực hiện trái pháp luật.
 Chính điều này đã tạo ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau giữa các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri. Từ đó, hiệu quả của việc tiếp xúc cử tri không cao, cử tri mất lòng tin vào chế độ.
 Chung quy lại, những đề xuất trên có mang ý nghĩa thực tiễn và hiệu quả hay không phụ thuộc vào hoạt động ban hành pháp luật. Tất cả mọi chủ trương, giải pháp được đưa ra muốn đi vào thực tiễn cuộc sống thì cần cụ thể hoá bằng các văn bản pháp luật, bắt buộc các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật đó phải thực hiện nghiêm túc và triệt để. Ngoài ra, pháp luật phải quy định một cách rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ, hình thức và biện pháp xử lý khi các chủ thể không thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
 Do vậy, cần thiết phải xây dựng một đạo luật quy định rõ về việc tiếp xúc cử tri; xác định rõ cơ chế, nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong tổ chức tiếp xúc cử tri, tạo hành lang pháp lý để các cuộc tiếp xúc cử tri đi vào thực chất, giảm tính hình thức, khắc phục tình trạng cử tri chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Đề án đổi mới tiếp xúc cử tri nên trình Quốc hội sửa đổi Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri.
Tổng kết đề tài
 Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri là một đề tài hay, thiết thực. Thực hiện đề tài này, chúng tôi không ngoài mục đích đóng góp ý kiến của mình vào một vấn đề đang gây nhức nhối cho toàn xã hội. Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi, những sinh viên luật năm nhất đã có cơ hội trau dồi kiến thức, hiểu rõ hơn các vấn đề xung quanh công tác tiếp xúc cử tri hiện nay. Đồng thời, điều đó giúp ích cho chúng tôi rất nhiều trong công việc học tập và nghiên cứu sau này.
 Đại biểu dân cử có phản ánh được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân vào các quyết sách của cơ quan quyền lực nhà nước, có hoàn thành sứ mệnh đại diện của mình hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc đại biểu có giữ được mối liên hệ chặt chẽ, máu thịt với những người đã bầu ra mình hay không. Nguyên lý giản dị ấy hầu như đại biểu dân cử nào cũng biết, cũng thấm thía. Tuy nhiên việc thực hiện như thế nào cho có hiệu quả lại là một bài toán khó. Lời kết của nhóm thực hiện đề tài là lời để ngỏ cho những ai yêu thích và quan tâm đến vấn đề này thì hãy tham gia vào các diễn đàn, thể hiện quan điểm, ý kiến của mình để làm sao một hoạt động mang tính dân chủ, thưc hiện một quyền cơ bản của công dân này có hiểu quả đích thực như bản thân nó cần phải có.
Đức Hoài 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Tự tạo website với Webmienphi.vn